10/04/2013 | lượt xem: 3 BẢO QUẢN KIỆU GIỐNG THEO PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THỐNG Theo kinh nghiệm cổ truyền ở đồng Bằng Bắc Bộ, để bảo quản kiệu làm giống cho vụ sau đảm bảo chất lượng cao, người sản xuất phải bảo quản qua 2 giai đoạn: Trên ruộng và trong nhà kiệu 1. Bảo quản trên ruộng: (giai đoạn này kéo dài 6-7 tháng) bắt đầu từ ngay khi trồng củ giống lần đầu tháng 11-12 năm trước đến tháng 6 năm sau, chọn chân ruộng đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, tưới tiêu thuận lợi, cày ải, làm nhỏ đất, lên luống trồng như trồng hành củ, mật độ 20-25 khóm/m2, lượng giống 30-35kg/sào, bón lót bởi phân chuồng hoai mục 300-500kg/sào và 10-12kg NPK tổng hợp loại chuyên dùng cho rau xanh, có thể thay phân chuồng bằng phân bón hữu cơ vi sinh hay bã thải từ các hầm Biogas, trộn đều các loại phân bón trong lớp đất mặt trước khi trồng, sau trồng che phủ kín luống bằng rơm, rạ hoặc trấu trắng, tưới giữ ẩm thường xuyên kết hợp nhổ bỏ các loại cỏ phát sinh, sau 15-20 ngày mầm kiệu đã bắt đầu mọc lên khỏi mặt luống, tiến hành bón thúc gồm 2 lần, lần 1 khi cây kiệu phát triển cao 10-15cm, lần 2 sau lần 1 khoảng 30 ngày, mỗi lần bón 6-7kg đạm Ure hòa tan trong nước sạch để tưới, có thể rắc phân lên mặt luống rồi dùng gầu té nước từ rãnh luống tưới lên, sau đó cho đến khi thu hoạch không cần bổ sung thêm bất cứ loại phân bón nào, chỉ cần tưới dưỡng ẩm, nhổ bỏ cỏ dại thường xuyên. Đáng chú ý, cây kiệu hầu như không nhiễm các loại sâu bệnh, tuy nhiên ở những ruộng trồng kiệu thâm canh và chuyên canh cao, vườn kiệu có thể bị nhiễm nhẹ 1 số sâu ăn lá và bệnh thán thư, có thể phòng trừ hiệu quả bằng thuốc trừ sâu sinh học Bt và thuốc hóa học Ridomil, phun 1 lần hiệu quả cho cả vụ, cần phun trừ ngay khi sâu non tuổi nhỏ và phun phòng khi bệnh mới phát sinh (sử dụng thuốc theo khuyến cáo cuả nhà sản xuất ghi trên bao gói); qui trình sản xuất này chung sản xuất kiệu thương phẩm, để sử dụng làm rau xanh thì thu kiệu trong tháng 2 và đầu tháng 3 (sau trồng 3-4 tháng), còn nếu để kiệu làm giống thì tiếp tục duy trì chăm sóc dưỡng ẩm bảo quản kiệu trên ruộng, đợi sang tháng 6 kiệu xuống củ chín hoàn toàn mới tiến hành thu hoạch; * Thu hoạch kiệu giống: Kiểm tra khi phần trên mặt đất thân lá kiệu đã ngừng sinh trưởng, có dấu hiệu lụi dần (xuống dọc), phần dưới mặt đất củ kiệu chín già (củ tròn căng, nây đều), chọn ngày nắng ráo tiến hành thu hoạch kiệu, có thể dùng dầm hoặc cuốc để lấy được nguyên cả củ và dọc, tránh làm giập xước củ, sau thu hoạch rửa sạch các khóm củ, phân loại, chọn lấy các khóm củ già căng, to đều, rải lên giàn tre, gỗ phơi 2-3 ngày dưới nắng nhẹ hoặc nơi thoáng mát cho khô nước và héo dọc củ, nếu trời nắng to có thể phơi trong hiên nhà, dưới bóng cây, sau buộc kiệu thành từng túm, mỗi túm 1,5-2,0kg, để tiện gác kiệu lên sào trong nhà kiệu. 2. Bảo quản kiệu trong Nhà kiệu: Nhà kiệu được thiết kế xây kín bằng gạch qua lửa 10x20cm; Kích thước nhà kiệu: Dài x rộng x cao = 3 x 2 x 4m, để 1 cửa công tác 60 x 90cm, 2 tường ngang nhà kiệu xây hàng đơn cứ cách 25-30cm xây quay ngang 1 hàng gạch, nhằm tạo các gờ đỡ sào gác kiệu bên trong nhà; mái Nhà kiệu lợp ngói tây, chéo mái như nhà cấp 4, mái lợp gồm 3 lớp, dưới cùng là các thanh tre ken kín được ghim chặt với các kèo đỡ ngang mái, lớp thứ 2 trát kín bằng hốn hợp bùn trộn rơm băm ngắn, cuối cùng mới lợp ngói đè lên, làm như vậy vừa khống chế tối đa lượng khói thoát ra khi hun kiệu, vừa đảm bảo độ hấp ẩm tương tối, không làm lắng đọng hơi nước trên mái nhà ảnh hưởng đến chất lượng kiệu giống, với thiết kế Nhà kiệu này có thể bảo quản được 0,8-1,0 tấn kiệu; * Xếp nguyên liệu vào trong Nhà kiệu: Đưa từng túm kiệu giống đã gom buộc trước đó gác treo lên các sào tre bắc ngang trong nhà kiệu theo từng tầng lớp củ giống. Lưu ý: Cần lựa chọn sào gác chắc chắn, không cong vênh, 2 đầu sào gối vào 2 hàng gờ gạch trên tường như thiết kế, lớp kiệu trên cùng có thể xếp sát nóc nhà, lớp dưới cách mặt đất 1-1,2m, khoảng trống dưới để đốt trấu hun kiệu. * Hun kiệu: - Chất hun: Bao gồm trấu trắng (là chủ yếu), rơm khô, bèo tây hoặc cỏ ao, rau dừa nước còn tươi nguyên và 5 miếng bê tông kích thước 20x30x5cm có thể tận dụng vật chất liệu tương đương có sẵn; - Đống hun: Chọn 5 vị trí phân bố đều trong nền nhà kiệu, 1 vị trí ở giữa, 4 vị trí xung quanh, tại mỗi vị trí làm 1 đống hun, sao cho sau khi hun lượng khói tỏa đều lên các lớp kiệu gác trong nhà, đống hun gồm 3 lớp, dưới cùng trải 1 lớp rơm mỏng (làm mồi đốt), lớp thứ 2 đổ đầy trấu trắng (5-7kg) vun hình nấm, lớp thứ 3 phủ bèo tây, cỏ hoặc cây dừa nước, cuối cùng đè tấm bê tông lên trên, bèo tây tươi và tấm bê tông đè có tác dụng hãm cho trấu cháy âm ỉ, tăng nồng độ khói trong nhà; - Tiến hành hun kiệu: Gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 hun liên tục 7-8 ngày, mỗi ngày đốt 1 đống trấu hun đã chuẩn bị trước đó, sau đốt trấu phải đóng kín cửa công tác để giữ khói, đốt hết 5 đống trấu hun lại tiếp tục chuấn bị 5 đống trấu hun khác, giai đoạn 2 ngay sau giai đoạn 1 cứ cách 5 ngày đốt hun 1 đống trấu, giai đoạn này kéo dài tới cuối tháng 7 đầu tháng 8, kiểm tra thấy toàn bộ lượng kiệu giống đã chuyển màu đen hoặc cánh gián ( màu bồ hóng) coi như kiệu giống đã đạt yêu cầu theo đó có thể ngừng hun khói, cho phép đưa ra trồng trên ruộng sản xuất thương phẩm, đồng thời tiếp tục trồng bảo quản lưu giữ nguồn giống cho các vụ kế tiếp. Tuy nhiên thời gian này ở đồng Bằng Bắc Bộ thường có mưa, vào những ngày thời tiết mưa cần tiếp tục hun khói cho kiệu, tránh để nhà kiệu hút ẩm trở lại, củ giống sẽ nảy mầm, gây hư hỏng. *Lưu ý: trong quá trình hun kiệu, có thể phát sinh sâu đục củ giống, có thể dùng thuốc trừ sâu ofatox hoặc factas hoà tan trong nước tưới vào đống trấu hun 1 lần là đảm bảo sạch sâu trong suốt thời gian bảo quản kiệu giống trong nhà. Bằng cách bảo quản kiệu giống này, từ hàng trăm năm nay thôn Tân Nhuế, xã Lạc Đạo (Văn Lâm-Hưng Yên) đã là địa phương chuyên thâm canh kiệu thương phẩm và bảo quản kiệu giống cung ứng cho thị trường khắp các tỉnh thành trên miền Bắc như: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải dương...