26/03/2013 | lượt xem: 3 KỸ THUẬT TRỒNG ĐU ĐỦ TRÊN CHẬU LÀM CẢNH Chơi đu đủ cảnh là cách chơi lưỡng dụng, quả ăn và cây làm cảnh, có thể coi là cái thú ăn chơi đủ đầy bền vững không thừa và không thiếu. Một chậu đu đủ cảnh được coi là đẹp chơi trong những ngày tết, trên cây phải có đủ hoa, lá và quả. Quả có đủ 3 loại, non, già và chín, thế dáng siêu - nghiêng đều về một bên, thân gốc to gồ, rễ con nổi bật. Để có được những chậu đu đủ cảnh như vậy, người làm vườn có thể tham khảo một số biện pháp kỹ thuật cơ bản dưới đây: 1. Thời vụ: Từ trồng bầu cây lên chậu đến khi chậu cây có giá trị sử dụng làm cảnh cần khoảng thời gian từ 7-8 tháng. Nếu trồng cho mục đích kinh doanh, cần tính toán thời vụ trồng để có chậu cây cung ứng kịp thời cho nhu cầu thị trường trong dịp tết Nguyên Đán, khi đó giá trị cảnh của đu đủ sẽ cao gấp 20-30 lần so với trồng đủ đủ thuần trên cùng diện tích đất để thu quả bán ăn tươi. Ở các tỉnh đồng Bằng sông Hồng thời vụ trồng đu đủ cảnh tốt nhất bắt đầu từ cuối tháng 4 đầu tháng 5 Âm lịch. 2. Giống trồng: Chọn giống đu đủ lai F1, loại chuyên trồng làm cảnh: Cây lùn, lóng đốt ngắn, giống sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, sai hoa, nhiều quả, chất lượng quả cao, trồng cây nào có quả cây đó (thường là các giống có nguồn gốc từ Thái Lan hoặc Đài Loan). 3. Chuẩn bị chậu và đất trồng: - Chậu: Dùng chậu sứ hoặc chậu xi măng chuyên dụng, kích thước: 90 x 40 x 40cm, các lỗ thoát nước ở đáy và xung quanh. - Đất trồng: Bao gồm hỗn hợp đất thịt ải, xỉ than tỷ lệ 3:1, ủ kỹ 12-15 ngày trước khi đưa vào chậu, 1m3 hỗn hợp này đủ cho 11-12 chậu trồng đu đủ cảnh. Yêu cầu, đất thịt ải phải là đất mới chưa qua gieo trồng bất cứ loại rau màu nào, có thể lấy đất từ ruộng chuyên canh lúa nước, tốt nhất khai thác đất từ các hồ, ao, sông, trục, kênh, mương phơi khô ải, đập nhỏ. Đây là khâu kỹ thuật then chốt, có ý nghĩa quyết định tỷ lệ sống của cây đu đủ trên chậu sau trồng. 4. Ươm giâm bầu cây và trồng cây con lên chậu: Trồng đu đủ cảnh nhất thiết phải trồng bằng cây con đã gieo ươm trong bầu. Thông thường các nhà vườn mua giống cây đã gieo ươm trong bầu, loại bầu có kích thước (10-12cm) x (12-15cm), cây giống to mập, khỏe, sạch bệnh có từ 4-5 cặp lá, cao 10-15cm, sau đó đưa về giâm lại trong vườn nhà, nơi cao ráo, thoáng mát. Hàng ngày tưới nhẹ, bón thúc 1 lần sau giâm cây 2-3 ngày bằng Super lân, liều lượng 100-150g Super lân pha cho bình 8-12 lít nước, phun ướt đều cho các bầu cây, nên kết hợp phun cùng một số thuốc BVTV phòng ngừa nhện đỏ, rệp sáp và bệnh khảm. Khoảng 12-15 ngày sau giâm có thể đưa cây trồng lên chậu. Nếu mua cây giống có kích thước bầu nhỏ hơn, cần phải sang lại bầu có kích thước lớn hơn bằng bằng kích thước bầu nêu trên, sau đó mới tiến hành giâm lại theo cách làm như trên. Trồng cây lên chậu: Đưa hỗn hợp đất, xỉ than đã chuẩn bị trước đó đổ đầy cách miệng chậu 5-7cm. bón lót mỗi chậu 0,5kg NPK (15-9-17 TE), và 0,2kg vôi bột (trộn đều trong đất trước khi đưa vào chậu). Nhấc nhẹ bầu cây, dùng dao sắc rạch nhẹ vừa đứt lớp vỏ bao bầu một đường từ trên xuống sát đáy bấu, nhưng không bóc bỏ vỏ bầu, để định hướng sự phát triển rễ cây trong chậu sau này. Đặt bầu cây (còn nguyên túi nilon bao ngoài) trồng ngay ngắn trong chậu, phủ đất kín bầu cây, nén chặt nhẹ, tưới dưỡng ẩm hàng ngày. Đặt các chậu cây trong vườn so le nanh sấu cách nhau 2m x (1,5-1,7m). Nếu uốn cây theo hướng Đông -Tây, thì hướng vết rạch vỏ bầu trồng về hướng Đông. Trong quá trình sinh trưởng, bộ rễ cây sẽ bị hạn chế phát triển bởi phần túi nilon còn bao bầu, chủ yếu phát triển tập trung theo hướng mở của vỏ nilon bao bầu rạch trước đó, cùng với các biện pháp kỹ thuật khác như: Uốn cây, bón phân, tưới nước, sẽ tạo cho phần gốc rễ cây nổi gồ lên to mập theo ý muốn. 4. Chăm sóc, uốn vít cây Sau trồng cây lên chậu cần tưới ẩm ngày 1-2 lần, dùng rơm, rạ che phủ mặt chậu để hạn chế bốc thoát hơi nước và giữ ẩm cho cây. Định kỳ 15 ngày bón thúc phân hữu cơ, vô cơ và 30 ngày bón vôi bột, rắc trực tiếp lên mặt chậu xa gốc cây, các loại phân có thể dùng như: Phân gà, phân lợn, phân chim cút, phải ủ hoai mục trước khi bón, tốt nhất sử dụng bã thải từ hầm Biogas hoặc bột ngô đỏ, đậu tương ủ với Super lân cho lên men rồi bón. Liều lượng mỗi lần bón cho 1 gốc: 0,2kg vôi bột, 0,2kg NPK Đầu Trâu (15-9-17 TE) 1-1,5 phân hữu cơ hoặc 0,5kg ngô, đậu tương, giai đoạn cây mang quả bón tăng lượng NPK lên 0,3kg. Khoảng 25-30 ngày sau trồng, tiến hành uốn vít cây: Dùng dây mềm, chắc, to bản (2-3cm), không co giãn, buộc vít cây tại vị trí 3/4 thân (từ gốc), kéo ngả dần về hướng đã định, ghim cố định dây chặt xuống đất. Chú ý: Đu đủ là cây thân thảo, mềm, dễ gẫy vỡ, nên cần uốn vít dần dần, 4-5 ngày kéo vít 1 lần, mỗi lần vít nghiêng xuống 5-7 độ so với mặt phẳng chậu tùy theo khả năng chịu đựng của cây, sao cho quá trình uốn vít cây không làm tổn thương ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây và bộ rễ. Kéo vít như vậy sau khoảng 3 tháng cây đã đến độ nghiêng 30-35 độ so với mặt đất thì dừng lại, cố định chặt dây cho đến khi đưa chậu cây ra thị trường. Chú ý, trong quá trình sinh trưởng tiếp theo cây đu đủ luôn có xu hướng phát triển thẳng trở lại, cần kiểm tra, có thể cần nới lỏng dây một chút để không gây tổn thương ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây, mặc dù vậy đến khi thu hoạch cây đu đủ cảnh vẫn đảm bảo dáng thế nghiêng đẹp cân đối. Trong quá trình chăm sóc, cần tưới nước tập trung nhiều hơn vào hướng gốc cây được rạch nilon mở bầu trước trồng, nhằm rửa trôi bớt lớp đất mặt, để lộ dần thân gốc và một phần bộ rễ, đồng thời kết hợp bón nhử Super lân kích thích cho thân gốc rễ phát triển phình to gồ lên theo hướng này, tăng giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cho cây cảnh. 5. Phòng trừ sâu bệnh: Cây đu đủ cảnh thường bị một số sâu, bệnh hại chính như: Nhện đỏ, rệp sáp, bệnh khảm, xoăn lá do Virus, có thể phòng trừ hiệu quả bằng một trong các loại thuốc BVTV: Danitol 10EC; Ortus 5EC, Nitac 5EC... trừ nhện đỏ; Supracide, Suprathion, Applaud... trừ rệp sáp. Riêng với bệnh khảm và xoăn lá do Virus hiện chưa có thuốc phòng ngừa đặc hiệu, cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp: Lựa chọn cây giống khỏe, bón vôi bột định kỳ, diệt rệp sáp, rệp đào triệt để, tránh gây tổn thương cây trong suốt quá trình chăm sóc. Lưu ý, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao gói; một số thuốc có dạng nhũ dầu dễ gây cháy lá, cần phun thuốc vào chiều mát và không pha thuốc quá đậm đặc, Nên bao quả bằng túi nilon để ngăn ngừa nấm bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm và giữ mã quả đẹp (bao nilon cần đục 1 số lỗ thoát hơi nước ở đáy). 6. Một số chú ý khác: Chậu để trồng cây cảnh thường có 5 lỗ thoát nước đường kính 2,5-3cm, 1 lỗ giữa đáy và 4 lỗ quanh thành chậu, trong quá phát triển rễ cây cảnh luôn hướng đến các lỗ chậu để đâm xuống đất hút nước và dinh dưỡng, làm nứt vỡ chậu, nếu không, khi bứng chậu đi tiêu dùng rễ cây sẽ bị đứt gây tổn thương héo hoặc chết cây ngay trong một vài ngày sử dụng. Để bảo đảm cho cây đu đủ sống ổn định trong suốt thời gian chơi cảnh nhiều ngày, nhà vườn cần chú ý: - Chọn mua hoặc đặt làm các chậu trông cây cảnh có lỗ thoát nước nhỏ dưới 2cm để hạn chế tối đa rễ đu đủ phát triển qua đó, nhất là với rễ cái, (rễ chính, rễ cọc); - Đặt một miếng ngói hoặc cục xỉ than lên lỗ chậu, sao cho vẫn đảm bảo chậu thoát nước, mà rễ cây khó phát triển qua các lỗ; - Sau trồng 2-3 tháng cho đến khi bứng chậu cây đi tiêu dùng, định kỳ 15-20 ngày xoay đi, xoay lại chậu 1 vài lần rồi trả về vị trí cũ, để cho các rễ cây mọc qua lỗ bị đứt, hoặc khó phát triển; - Tưới đủ ẩm cho cây trước khi bứng chậu đưa ra thị trường, để giữ cho sắc thái cây luôn ổn định. Áp dụng qui trình này, gia đình anh Đỗ Mạnh Hùng thôn Sở Đông, xã Long Hưng, huyện Văn Giang (Hưng Yên) chỉ tranh thủ thời gian nhàn rỗi trong ngày, mỗi năm trồng vài ba chục đậu đu đủ cảnh, đã cho thu ngót trăm triệu đồng, đây là nguồn thu rất có ý nghĩa với các gia đình thuần nông.