20/12/2011 | lượt xem: 3 BỌ RÙA HẠI RAU MUỐNG Sâu ba ba còn gọi là bọ rùa kim tuyến, hại chủ yếu rau muống, phát sinh ở những vùng chuyên rau muống. Hình thái và các pha phát dục: - Bọ rùa trưởng thành hình bầu dục, dài 4-5 mm, bề ngang phía đầu to hơn phía sau, hình thù hơi giống con rùa. Phía ngực và cánh màu xanh trong suốt, có các vân hình võng rất rõ. Các bộ phận còn lại có màu xanh óng ánh như kim tuyến. - Sâu non hình bầu dục hơi dài, một đầu to và một đầu nhỏ hơn, có đuôi dài, trên đuôi có nhiều gai. Nhộng màu xanh nhạt, thân dẹt, hơi giống hình chữ nhật, mành long ngực trước và hai bên sườn từ đốt thứ nhất đến đốt thứ 5 có gai nhỏ. Tập tính hoạt động và gây hại: - Bọ trưởng thành hoạt động khi trời ấm, nhiệt độ cao, thường từ tháng 3 đến đầu tháng 4. Chúng giao phối và đẻ trứng trên lá rau. Từ tháng năm trở đi sức gây hại của chúng tăng dần,các lứa sau từ tháng 7 đến tháng 10 thường bị sâu hại nặng nhất. Nói chung sâu thường hoạt động mạnh khi trời hửng nắng, ánh sáng nhẹ từ 9-10 giờ sáng và từ 3-5 giờ chiều. Sâu còn có tính giả chết. - Sâu non mới nở ít hoạt động chỉ ăn biểu bì lá, càng lớn sâu càng phá mạnh. Sâu non đẫy sức dùng đuôi dính vào lá và hoá nhộng ở lưng lá. - Cả sâu non và sâu trưởng thành đều gây hại cho rau muống. Sâu gặm biểu bì lá, làm thủng lỗ chỗ ảnh hưởng tới quang hợp, làm giảm năng suất. Nếu mật độ sâu cao có thể làm mất trắng cả một lứa rau, hoặc toàn bộ ruộng rau bị xơ xác, cây rau cằn cỗi. ở những ruộng rau xấu, kém phát triển thì sâu hại nặng hơn. Nói chung ở những vùng chuyên canh rau muống thường bị sâu hại nặng hơn. Biện pháp quản lý: - Làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt nguồn sâu quá đông và thường xuyên làm cỏ trong ruộng, tăng cường chăm sóc để rau phát triển tốt. - Thực hiện luân canh với các cây trồng khác (lúa) để giảm nguồn sâu chu chuyển từ vụ trước sang vụ sau. Biện pháp này rất có hiệu quả vì sâu ba ba hại chủ yếu rau muống. - Trong trường hợp mật độ cao, ruộng rau gần nguồn nước tưới tiêu có thể tháo nước vào ruộng ngập ngọn rau ngâm trong vài giờ, sau đó tháo nước nhanh có tác dụng diệt sâu cao. 2. Rầy xám hại rau muống: Rầy xám (còn gọi là muội xám) thuộc bộ cánh đều họ muội bay, ngoài rau muống rầy còn hại nhiều loại cây trồng khác. Hình thái và các pha phát dục: - Rầy trưởng thành có hai dạng: cánh dài và cánh ngắn, kích thước nhỏ bé. Rầy cánh dài màu xám sáng, con cái dài khoảng 3,8-4,2 mm, con đực 4,6-5,1 mm. Trưởng thành cánh ngắn màu xám sẫm, con cái dài khoảng 2,1-2,6 mm, con đực 3,5-4,1 mm. Tập tính hoạt động và gây hại: - rầy có đặc tính nhảy, cả rầy trưởng thành và rầy non đều gây hại nhưng chủ yếu là rầy non. Rầy chích hút nhựa ở phần non của cây rau, nhất là phần ngọn và các phần bánh tẻ. Khi ngọn rau mới phát triển, chưa vươn dài, nếu bị rầy hại sẽ bị xoăn lại, lá rau cong, thô cụp xuống. Mật độ rầy cao thì mức độ hại càng lớn, toàn bộ ruộng rau bị cằn, xoăn không phát triển được, năng suất giảm, thậm chí cả lứa rau bị mất trắng không cho thu hoạch. Nếu rầy hại vào giai đoạn ngọn rau đã vươn cao, sắp được hái thì lá rau sẽ biến thành vàng, rụng dần còn trơ lại cuống hoặc lá bị khô cháy từng đám, năng suất bị giảm nhiều và chất lượng kém. - Rầy xám hoạt động mạnh vào buổi tối, từ 20-21 giờ. Ban ngày khi nắng to, rầy ẩn nấp ở mặt dưới lá, sát mặt nước, khi động rầy nhảy lung tung dưới mặt nước, sau đó lại bò ngay lên cây. Rầy ưa ánh sáng đèn. Rầy cái đẻ trứng ở mô biểu bì phía dưới lá. - Vòng đời của một lứa rầy tuỳ thuộc vào nhiệt độ trong giai đoạn sinh trưởng của rau, trung bình từ 25-27 ngày. Trong các tháng nắng nóng, nhiệt độ cao thì vòng đời rầy ngắn và ngược lại. Một vụ rau muống có khoảng từ 8-9 lứa rầy. Trên rau muống, rầy xám phát sinh gây hại từ tháng 3, nhưng các tháng đầu mật độ rất thấp. Từ tháng 6 trở đi mật độ tăng dần đến cuối vụ. Các lứa rầy trong tháng 9,10 thường gây hại nặng hơn cả. Có khi gây hiện tượng cháy từng đám trên ruộng rau muống. - Rầy xám thường phát sinh gây hại nặng ở những vùng chuyên trồng rau muống, ở những ruộng lấy xơ cho vụ sau. Trong điều kiện rầy đã xuất hiện, nếu bón nhiều đạm thì mức độ gây hại càng lớn và ở những vùng đồng đất màu mỡ, úng nước, rầy cũng thường tập trung phá mạnh hơn. Biện pháp quản lý: - Bố trí những ruộng để giống rau muống qua Đông (rau muống xơ) trên cùng một khu đồng để tiến hành chăm sóc tạo điều kiện cho giống khoẻ. - Trong suốt thời vụ rau phải thường xuyên kiểm tra theo dõi phát hiện rầy ở những ruộng rau muống xơ, nơi màu mỡ. - Bón tỷ lệ cân đối giữa phân vô cơ và phân chuồng. Khi rầy trưởng thành rộ, nên dùng vợt để vớt nhằm giảm lượng rầy lứa sau. - Khi bị rầy cần tháo nước ngập, không để ruộng bị cạn. Luân canh rau muống với các cây trồng khác họ.