20/12/2011 | lượt xem: 3 Kỹ thuật chăm sóc câu nhãn thời kỳ ra nụ, nở hoa và đậu quả Đây là thời kỳ quan trọng nhất quyết định đến năng xuất chất lượng của nhãn. Để nâng cao năng xuất, chất lượng nhãn, chúng tôi xin giới thiệu một số kỹ thuật cơ bản chăm sóc cây nhãn thời kỳ ra nụ, nở hoa và đậu quả. 1. Bón phân bổ sung Trước khi cây ra nụ khoảng nửa tháng bón phân bổ sung để tăng trưởng cho giò hoa. Lượng phân bón cho cây nhãn ở độ tuổi 7-10 năm: 5 kg NPK/cây, hoặc 5 kg phân lân vi sinh 0,3 kg đạm 0,3 kg Kali. Phân bón được hòa vào nước và tưới đều xung quanh tán cây hoặc rải đều quanh hình chiếu tán và lấp một lớp đất mỏng. * (Khi tiến hành bón phân tuyệt đối không được xới xáo, cuốc trong tán cây để tránh gây tổn thương bộ rễ). Có thể sử dụng nước phân chuồng, đỗ tương, ngô, xương động vật ngâm lân để tưới cho cây từ 2-3 lần. Mỗi lần cách nhau 5 ngày, mỗi cây 5-7 gánh (Cách pha: 1 nước phân đặc hòa trong 5-7 nước lã). Khi cây đang ra hoa đậu quả non tuyệt đối không tiến hành các khâu chăm sóc như xới xáo để bón phân. Chú ý hiện tượng mưa a xít hại hoa, quả non: Có năm do mưa phùn, khả năng rửa trôi các khí độc trong không khí kém (CO2, PO2, SO2, SO4, H2S…) có thể xảy ra các cơn mưa mang nhiều tạp chất bẩn, trùng với thời gian nở hoa, đậu quả của cây nhãn, gây độc hại cho hoa và quả non, sẽ dẫn tới hiện tượng rụng hoa, rụng quả. Cách phát hiện: Khi có cơn mưa rào đầu tiên cần hứng nước bằng chậu sạch đặt ở vị trí cao trên nóc nhà. Nếu thấy nước bẩn, đen, hoặc hơi bẩn thì sử dụng giấy quỳ tím để xác định. Nếu quỳ tím chuyển sang mầu đỏ là trong nước có tạp chất axit. Một cách đơn giản hơn là đổ một chén nước chè đặc vào chậu nước mưa, sau 5-10 phút nếu có nhiều tạp chất và axit, nước mưa sẽ chuyển thành mầu đen đục. Khi xác định chính xác có mưa tạp chất có chứa axit ta tiến hành rửa bằng nước sạch (không nên dùng nước giếng khoan) ngay sau khi mưa, toàn bộ hoa, lá, quả, cây và dùng củ nèo rung cành cây cho róc hết nước trên chùm hoa, quả non… * Chú ý: Không xối thẳng nước vào chùm hoa, quả non. 2. Phòng trừ sâu bệnh hại chính 2.1 - Bệnh hại hoa quả non: Trong vụ Xuân, nếu ẩm độ không khí cao các bệnh hại hoa nhãn thường phát triển mạnh và làm cho hoa, quả non bị hỏng, những bệnh thường gặp bao gồm. * Bệnh sương mai: (Phytopthora) Thời điểm gây hại: Chủ yếu trong thời gian ra hoa và đậu quả non. Biểu hiện: Thường ở chân giò hoa, quả hoặc cành, nhánh có các chấm đen, nâu đen nhỏ, sau lớn dần nối với nhau tạo ra các dạng không định hình có mầu đen, hơi lõm, cành hoa héo rũ và ban đầu có hiện tượng giống như ngâm trong nước sôi hoặc màu xanh tái. Trên quả bị bệnh đầu tiên biến mầu sau đó chuyển sang màu nâu và rụng, bệnh phát triển nhiều sang cả tháng 5-6 và tiếp tục gây hại quả ở giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch nếu chúng ta phòng trị không tốt. Phòng trị: Sử dụng Ridomil để phun, nồng độ 0,2% hoặc Aliette 0,15% phun khi thấy bệnh xuất hiện và phun làm hai lần. Lần I: Khi giò hoa bắt đầu nhú. Lần II: Trước khi hoa nở 7-10 ngày - Khi cây nhãn bắt đầu đậu quả non, thậm chí vào giai đoạn quả nhãn chuẩn bị cho thu hoạch nếu chúng ta kiểm tra vườn nhãn thấy bệnh sương mai vẫn phát triển để gây hại quả thì phải tiếp tục phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời. * Bệnh phấn trắng hại hoa: Trong thời gian cây ra hoa, nhiệt độ ấm nên có thể gặp nấm phấn trắng hại hoa. Trên chùm hoa có các vết xám nhạt, trên vết có một lớp bụi phấn trắng, bệnh thường phát triển từ trên xuống chân giò hoa, chùm hoa hỏng có mầu xám tro, mốc trắng. Phòng trị: Sử dụng Anvil (0,2%) để phun: lần I khi bệnh chớm phát; lần II sau lần I: 5 ngày. * Trên vườn cây có thể gặp hiện tượng nấm bệnh phá rễ cây, làm cây bị vàng, rụng lá và chết. Khi chớm xuất hiện phải dùng Ridomil MZ75 lượng 150g/cây, rắc đều xung quanh tán, phủ một lớp đất mỏng lên hoặc xới nhẹ cho đất lấp hết thuốc. Xử lý cây bị bệnh nên xử lý các cây xung quanh đó. 2.2 Sâu hại hoa, quả non * Rệp hại: - Rệp muội (Aphis): Thường gây hại giai đoạn cây nhãn xuất hiện đợt lộc non, khi nở hoa, đậu quả non chích hút dinh dưỡng ở cây nhãn và ở các phần chùm hoa, quả. - Rệp sáp (Pseudococcidae Melly)-rệp sáp bột: cơ thể hình oval, có phân đốt rõ ràng và được bao phủ bằng lớp sáp ột, trứng được đẻ trong túi xốp. Rệp sáp phát triển mạnh giai đoạn cây có quả và gây hại bằng cách hút dinh dưỡng của cây. - Rệp sáp ống: Con cái nhỏ hình vảy, con đực được bao phủ bởi lớp sáp trắng hình ống, gây hại chủ yếu phần cành, cây bánh tẻ và cũng chích hút dịch cây. Các loài rệp trên, ngoài gây hại và hút dịch cây chúng còn là môi gới truyền một số bệnh virut hoặc Mycoplasma và phân thải ra của chúng tạo điều kiện cho nấm than đen (nấm muội đen) phát triển phủ lên lá quả làm giảm khả năng quang hợp của lá và giảm giá trị thương phẩm của quả. Phòng trừ: Khi xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc như: Sunpracide, Suprathion - 0,2% và Actara 0,02% (2gam/10 lít), Trebon (0,1-0,2%) nên phun 2-3 lần: lần I khi phát hiện, lần II sau lần I từ 5-7 ngày. Có thể cộng thêm dầu khoáng DC tronplus, hoặc chất bám dính Thiên Nông. Chú ý: Phải thay đổi, luân phiên các loại thuốc trên qua mỗi lần phun và nên phun trị ở độ tuổi 1-2 (khi rệp sáp còn nhỏ). * Bọ xít nâu: (Tesaratoma Pappilosa). Gây hại nặng trong vụ xuân hè Đặc điểm hình thái: Con cái trưởng thành dài 24-27 mm, con đực nhỏ hơn, mầu nâu vàng có hai mắt kép hình quả thận mầu đỏ tím, mắt đơn màu đỏ, mảnh lưng ngực trước rộng. Con cái đẻ trứng thành ổ xếp thành hai hàng song song số lượng 12 - 14 quả trứng hoặc bọ xít non mới nở có màu trắng sau đó chuyển dần sang màu nâu đỏ, mỗi năm chỉ có một lứa. Bọ xít trưởng thành qua đông tới tháng 3-4 sang năm lại xuất hiện trở lại và đẻ trứng. Đặc điểm gây hại: Cả bọ xít non và trưởng thành đều hút dinh dưỡng trên chồi, lá non, nếu hại ở phần quả non sẽ làm quả bị rụng. Phòng trừ: khi bọ xít non xuất hiện cần phun trừ bằng các thuốc như Sherpa 0,1 - 0,15%, Sumi 0,1-0,2% hoặc Fastac 0,1%. * Sâu đo ăn lá: Giai đoạn đầu mùa đông ấm, đây là yếu tố sẽ tạo điều kiện cho sâu đo xuất hiện sớm. Để tránh hại hoa, quả non chỉ nên dùng Sherpa và Trebon, nồng độ theo khuyến cáo. Chú ý: Không sử dụng các thuốc Bi-58, Monitor, Basa, W0fatox và các loại thuốc của Trung Quốc chưa qua kiểm nghiệm lên hoa, quả non. 3. Sử dụng chất kích thích sinh trưởng 3.1- Trước khi ra hoa: Dùng Atonic hoặc kích thích tố Thiên Nông (theo chỉ dẫn trên bao bì) phun cho giò hoa 2 lần: lần I khi giò hoa mới nhú; lần II khi hoa nở một tuần, có thể kết hợp phun thuốc sâu hoặc bệnh. 3.2. Quả non có đường kính 3-4 mm: Phun NAA, Atonic hoặc kích phát tố Thiên Nông, phun một lần với nồng độ bằng ½ so với chỉ dẫn. Lần phun này có tác dụng giảm rụng quả sinh lý, giữ được tối đa số quả trên chùm hoa. Chú ý: Việc sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá cần tuân thủ theo chỉ dẫn, nếu phun quá liều lượng có thể gây sốc (ngộ độc) dẫn đến hoa, quả rụng, nếu phung không đủ liều lượng sẽ không có tác dụng.