20/12/2011 | lượt xem: 2 Quy trình gieo cấy giống lúa Hoa ưu 109 Tại hưng Yên hoa ưu 109 đã được Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh khảo nghiệm 2 vụ: Xuân và Mùa năm 2010, trên diện tích 10ha ở các xã Quang Vinh (Ân Thi); Vũ Xá, Ngọc Thanh, Hiệp Cường (Kim Động) và Đức Thắng (Tiên Lữ), đối chứng là giống (KD18) đang gieo cấy đại trà trong tỉnh. Kết quả giống Hoa ưu 109 cho năng suất trung bình: vụ Xuân: 240-250/sào và 220-230kg/sào vụ Mùa, cao hơn KD18 (đối chứng) 10-15%, cứng cây hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn, chất lượng gạo ngon hơn, đặc biệt giống hoa ưu 109 có thời gian sinh trưởng 125-130 ngày ngắn hơn KD18 từ 3-5 ngày, đây là ưu thể nổi trội để cơ cấu trong trà mùa sớm để làm vụ Đông. Hoa ưu 109 là giống có nhiều triển vọng thay thế giống KD18 đang bị thoái hóa. Hoa ưu 109 có thể gieo cấy ở các chân ruộng cao, vàn, vàn thấp. Qui trình kỹ thuật gieo cấy giống hoa ưu 109 như sau: * Vụ Xuân: gieo thẳng từ 10 - 15/2, gieo mạ nền cứng từ 03 - 10/2 cấy khi mạ 2,5 - 3,0 lá. * Vụ Mùa: gieo từ 01- 20/6, tuổi mạ 15-18 ngày * Mật độ cấy: 40-45 khóm/M2, cấy 2-3 dảnh 1 khóm * Phân bón và cách bón (Tính cho 1 sào bắc Bộ): - Super lân Lâm Thao: 12-15kg; Đạm Ure: 8-10kg; Kali Clorua: 3 – 4kg. - Bón lót toàn bộ phân lân, 40% đạm và phân chuồng (nếu có), nếu đất chua bón thêm 10 kg vôi bột - Bón thúc 50% đạm và 40% Kali sau cấy 15-20 ngày trong vụ xuân và 7-10 ngày đối với vụ Mùa. - Bón đón đòng: 10% đạm và 60% Kali trước lúa trỗ 18-20 ngày. * Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra phát hiện phòng trừ sâu bệnh kịp thời, chú ý một số đối tượng sâu bệnh chính sau: - Bọ trĩ (gây hại thời kỳ mạ, lúa non), phun trừ bằng thuốc Sherpa 10EC hoặc Fastas 5EC. - Sâu đục thân, sâu cuốn lá (gây hại lúa con gái, đứng cái làm đòng, bắt đầu trỗ và sau trỗ), phun trừ bằng thuốc Padan 95SP. - Rầy nâu, rầy lưng trắng: (gây hại chủ yếu giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, bắt đầu trỗ và sau trỗ) có thể trừ bằng một trong số loại thuốc sau: Bassa 50EC; Trecbon 10EC, Admire 50EC; Actara 25WP… - Bệnh đạo ôn (gây hại giai đoạn lúa con gái, đứng cái, bắt đầu trỗ, sau trỗ) đặc trị bằng thuốc: Fuji-one 40EC hoặc Beam 20WP. - Bệnh khô vằn: gây hại khi lúa đứng cái, bắt đầu trỗ và sau trỗ, đặc trị bằng thuốc: Validacin 3SC, 5SC. (Nồng độ và liều lượng pha theo hướng dẫn trên bao gói).