20/12/2011 | lượt xem: 3 Quy trình kỹ thuật gieo cấy giống lúa lai Nghi hương 2308 Đây là giống lúa lai có chất lượng cao nhất trong tập đoàn lúa lai chất lượng đã được công nhận ở Việt Nam. Thích hợp cho gieo cấy vụ Đông Xuân ở Hưng Yên, Vụ xuân 2008 đã thử nghiệp gieo cấy ở Tiên Lữ, Phù Cừ cho năng xuất khá cao, chất lượng gạo ngon. 1. Nguồn gốc giống: Giống lúa lai Nghi hương 2308 (Nghi hương 1A x Nghi khôi 2308) là giống lúa lai 3 dòng do công ty TNHH khoa học kỹ thuật giống cây trồng Đắc Nguyệt - Tứ Xuyên - Trung Quốc chọn tạo. Giống được công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới theo quyết định số 2878 QĐ/BNN-TT ngày 04/10/2006 của Bộ NN&PTNT. 2. Đặc tính giống: Giống có thời gian sinh trưởng từ: 130-135 ngày vụ xuân và 105-110 ngày vụ mùa. Sinh trưởng khoẻ đẻ nhánh khá, trỗ bông tập trung, độ thoát cổ bông tốt. - Khả năng chịu rét, chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá. - Năng suất cao ổn định, năng suất đạt 7-8 tấn/ha thâm canh tốt có thể đạt > 10 tấn/ha. - Thích hợp gieo cấy trên chân đất từ vàn thấp đến cao. Đây là giống lúa lai có chất lượng cao nhất trong tập đoàn lúa lai chất lượng đã được công nhận ở Việt Nam. Hạt thoi dài, trắng trong, cơm mềm, hàm lượng dinh dưỡng cao, ngon và có mùi thơm nhẹ. 3. Thời vụ và kỹ thuật gieo cấy: - Đây là giống có thể gieo cấy được cả 2 vụ/năm, cấy ở xuân muộn gieo từ ngày 25/1 - ngày 10/2. Mùa sớm gieo từ ngày 1- ngày 15/6 (theo lịch gieo cấy lúa lai của từng địa phương cho thích hợp). Cấy tuổi mạ non từ 2,5-3 lá. - Mật độ cấy: tuỳ thuộc vào độ phì nhiêu của đất, có thể cấy 40-45 khóm/m2, cấy từ 1-2 dảnh/khóm. Khoảng cách cấy 12 x 18-20cm. 4. Chăm sóc: - Đầu tư phân bón/sào (360m2): Phân chuồng: 300-400kg hoặc dùng 20-30kg VSSG, Supelân: 15-20kg, Đạm ure: 8-10kg, Kali: 7-8kg. Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng và Supelân 30% đạm 20% Kali. Bón thúc lần 1: khi lúa bén rễ hồi xanh 60% đạm 30% Kali. Bón đón đòng: 10% đạm 50% Kali. Lưu ý: Riêng phân đạm ure tuỳ tình hình sinh trưởng của cây mà bón, vụ mùa bón giảm lượng từ: 15-20%. Chế độ nước: trong suốt giai đoạn lúa đẻ nhánh cần giữ nước từ 3-5cm, đến cuối giai đoạn đẻ nhánh cần tiến hành rút nước phơi ruộng nứt nẻ chân chim. Sau đó cho nước to trở lại ruộng từ 5-10 cm cho đến khi lúa chín chắc xanh thì rút cạn nước. 5. Phòng trừ sâu bệnh: Thăm đồng thường xuyên để theo dõi tình hình sâu bệnh, phòng trừ kịp thời sớm có hiệu quả. - Với các loại sâu cuốn lá, sâu đục thân các loại thuốc Karate 2.5 EC, Regent 800WG, Thianmectin 0.50 ME. - Rầy nâu, chích hút thường dùng thuốc Actara 25WG. - Đạo ôn dùng các loại thuốc Filia 525 SE, Fujione 40EC. - Bệnh khô vằn dùng Validacin 5SC, Anvil 5SC. - Bệnh lep lép hạt dùng thuốc Tiltsuper 300EC. 6. Thu hoạch: Kiểm tra đồng ruộng khi lúa đã chín đều thì mới thu hoạch. Khi thu hoạch không được chất đống để bốc nóng, không được phơi mỏng dưới nắng nóng trên nền xi măng. Khi xát thóc nên xát thóc ở thuỷ phần > 14% và xát bằng các loại máy chuyên dùng cho loại hạt thóc dài. Có như vậy gạo không bị gãy và vẫn giữ được mùi thơm.