Triển khai kịp thời các quyết sách theo tinh thần "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt"

Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội khoá XV.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý,

Kính thưa Quốc hội,

Thưa đồng bào và cử tri cả nước,

Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, hôm nay, Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội; trân trọng cảm ơn sâu sắc sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và hiệu quả của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, góp ý thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị khách quý; trân trọng gửi tới đồng bào, chiến sĩ, cử tri cả nước lời cảm ơn chân thành về sự tin tưởng, theo dõi và cổ vũ dành cho Quốc hội và Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Kính thưa Quốc hội,

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các hồ sơ tài liệu, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng cao với gần 350 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu qua 03 phiên thảo luận Tổ, 02 phiên thảo luận Đoàn và 07 phiên họp toàn thể. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của các vị đại biểu. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 03 nghị quyết gồm: (1) Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; (3) Việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Về công tác nhân sự, căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 02 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 02 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.

Kính thưa Quốc hội,

Năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên trong và bên ngoài; dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 1,804 triệu tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và tăng 14,12% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhiều mặt được tăng cường; công tác cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… có nhiều đổi mới, nhiều mặt có đột phá và để lại dấu ấn nổi bật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân.

Trong năm 2022, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các địa phương. Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật. Quốc hội họp 02 kỳ thường lệ, 01 kỳ bất thường, thông qua 12 luật, cho ý kiến 08 dự án luật khác, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nhiều Nghị quyết nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai này cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo.

Kính thưa Quốc hội,

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong Quý IV/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh so với mức tăng 10,9% của Quý III/2022. Vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 19% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm. Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công những khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn bằng các giải pháp căn cơ, đồng bộ và có hệ thống. Tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để chấn hưng và phát triển văn hoá như tình thần chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường tiềm lực, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển nhanh và bền vững. Đó chính là mục tiêu phát triển của chúng ta.

Trước mắt, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm thực hiện đúng tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp; lắng nghe, tổng hợp và báo cáo ý kiến và nguyện vọng của cử tri; giám sát hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, chủ động góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão tươi vui, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới ngay từ cơ sở và mỗi gia đình, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.

Kính thưa Quốc hội,

Góp phần quan trọng vào sự thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo nội dung, chương trình của Kỳ họp; cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, các phóng viên đã đưa tin nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, sinh động diễn biến, kết quả Kỳ họp đến đồng bào, cử tri cả nước và bạn bè quốc tế; cảm ơn và biểu dương các bộ, ban, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức phục vụ chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn, trọng điểm.

Kính thưa Quốc hội,

Trước thềm Xuân mới, chuẩn bị đón Tết cổ truyền Quý Mão của dân tộc và chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (03/02/1930 - 03/02/2023), thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội, một lần nữa, tôi trân trọng kính gửi đến đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cử tri, Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng Xuân mới tốt đẹp nhất! 

Với ý nghĩa và tình cảm đó, tôi xin tuyên bố bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Chúc Năm Quý Mão 2023 nỗ lực mới, khí thế mới, với những bứt phá mới, thành công mới!

Xin trân trọng cảm ơn./.

Theo: https://tcnn.vn/

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
28 người đang online